PGS. TS. Lâm Bá Nam

Thứ bảy - 20/01/2018 23:22
PGS. TS. Lâm Bá Nam
PGS. TS. Lâm Bá Nam

PGS. TS. LÂM BÁ NAM

  • Năm sinh 1954
  • Quê quán: Hải An, Tĩnh Gia, Thanh Hóa.
  • Tốt nghiệp Đại học 1983; TS 1995 chuyên ngành Dân tộc học.
  • Phó Giáo sư 2002, Nhà giáo ưu tú 2012.
  • Thời gian công tác tại Trường: 1983 đến nay.
  • Đơn vị công tác: Bộ môn Nhân học Kinh tế - Xã hội, Khoa Nhân học.
  • Chức vụ quản lý: Chủ nhiệm Bộ môn Nhân học Kinh tế - Xã hội, Khoa Nhân học; Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Dân tộc học/Nhân học (2000- 2007); Chủ nhiệm Bộ môn Nhân học thuộc Trường (2010-2014); Phó Hiệu trưởng, Phó Bí thư Đảng ủy trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (2006-2009).
  • Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam từ 2013.
  • Các hướng nghiên cứu chính: Các dân tộc nhóm ngôn ngữ Việt-Mường; Thủ công nghiệp truyền thống Việt Nam, Văn hóa các tộc người; Vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc.

TỪ CÁT TRẮNG GIÓ LÀO ĐẾN LÀNG THỦ CÔNG, VĂN HOÁ VIỆT MƯỜNG VÀ CHÍNH SÁCH DÂN TỘC Ở VIỆT NAM

Từ thành phố Thanh Hoá, xuôi khoảng vài mươi cây số về phía Nam, dọc hai bên đường là những xóm làng lặng lẽ giữa những khóm cây kè và mênh mông những con đường cát. Cả vùng ấy từ ngày xưa đã nổi tiếng là đất nghèo, “Nhất Da nhì Xương.” Nơi ấy, những ngày tháng tư tháng năm, bông lúa mọc lên rồi quắt lại vì phải mặc thêm áo cát, phải uống đẫm cái gió lào đốt khô rang da thịt. Chỉ có khoai sắn là còn mọc được, như câu ca dao Lâm Bá Nam đã từng nhắc đến nhiều lần: “Khoai lang bóc vỏ hai đầu/ Nửa thương phủ Tĩnh, nửa sầu Quảng Xương”. Lâm Bá Nam sinh ra từ một làng quê như thế: Làng Viện Trung, xã Hải An, huyện Tĩnh Gia. Những năm thơ ấu của ông cũng là những năm chiến tranh, mảnh đất gió lào còn là đất bom. Những đứa trẻ của làng ngày ấy lớn lên đi học ban đêm, túi là dăm mẩu khoai hay củ dong riềng, lũn cũn mũ rơm với cây đèn dầu, lặng lẽ đi qua những hố bom nham nhở. Đi học được đã là thành công. Lên cấp ba thì một năm cả xã có hai ba đứa là nhiều lắm. Đại học thực sự là điều hiếm có, vài ba năm mới có một người. Năm 1973, Lâm Bá Nam vào đại học. Mùa Xuân năm 1975. Khi đó ông là sinh viên năm hai, khoa Lịch sử của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nhưng ấy cũng là lúc xe tăng và cờ đỏ sao vàng dẫn đường cho cả dân tộc đổ về miền Nam như vũ bão. Hơn mười vạn quân hậu bị được động viên cho tiền tuyến, ông tạm thời từ biệt mái trường, đi cầm súng. “Màu trời xanh kia con mặc để lên đường.” Ngày ấy ông hai mươi tuổi. Những tháng ngày quân ngũ đưa ông đi suốt gần sáu năm của tuổi hai mươi, từ nắng cháy Sơn Tây đến những ngày rét cắt da đứng gác đêm đông giữa đì đùng tiếng pháo của chiến tranh biên giới. Nhưng sáu năm ấy không làm phai đi trong ông khao khát được trở lại giảng đường. Năm 1980, ông xuất ngũ trở về, lần thứ hai trở lại cuộc đời sinh viên để hoàn thành nốt nửa còn lại của chặng được đại học còn dang dở, trước khi được giữ lại làm cán bộ giảng dạy ở Khoa Lịch sử hai năm sau đó. Và từ đấy, ông bắt đầu hành trình mới, của một người thày và một nhà dân tộc học. Trong mắt bè bạn, đồng nghiệp và học trò, Lâm Bá Nam trước hết là một người thày. Trong suốt bốn mươi năm cầm phấn, từ khi còn trong quân ngũ với cương vị là giáo viên văn hóa Trường huấn luyện Không quân (1975) cho đến khi là giảng viên trường Tổng hợp và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn bây giờ, bản thân ông cũng không nhớ đã dạy bao thế hệ học trò. Nhưng những ai đã từng được học ông đều ấn tượng về một người thầy ân cần và nghiêm khắc, điềm đạm và sôi nổi. Ấn tượng về tóc hoa râm, chất giọng trầm vang, và những bài giảng nói như tuôn chảy trên giảng đường, nói đến vã mồ hôi, nói như dốc gan dốc ruột. Ông đã tham gia hướng dẫn 10 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, trên 30 học viên bảo vệ luận văn thạc sĩ tại nhiều cơ sở đào tạo: Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Văn hóa Hà Nội, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Học viện Khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam). Nhưng người ta nhớ và ấn tượng không kém về ông với tư cách của một nhà dân tộc học. Thuộc thế hệ thứ ba các nhà nghiên cứu dân tộc học ở Việt Nam, ông vừa kế thừa những thành quả nghiên cứu của các nhà dân tộc học tiền bối, vừa tìm tòi những vấn đề mới để qua đó từng bước khẳng định những đóng góp rất riêng cho tri thức và nghiên cứu dân tộc học. Cơ duyên đưa ông đến với văn hóa Mường từ rất sớm. Năm 1973, sau kỳ thi vào đại học, trong một chuyến đi thăm bố đang làm Giám đốc nông trường Sao Vàng (Thanh Hóa), lần đầu tiên ông chứng kiến phụ nữ Mường cởi trần bế con tự nhiên trước mặt khách mà không hề e ngại. Năm 1975, trong buổi đầu quân ngũ, đơn vị ông đóng tại Hòa Lạc. Trong một chuyến công tác ở vùng Mường Lương Sơn, xã Yên Bình, lần đầu tiên ông được uống rượu cần, chứng kiến các cô gái Mường tắm lộ thiên sau những buổi chiều lên nương. Tốt nghiệp đại học, ông được bộ môn phân công nghiên cứu các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Việt-Mường. Qua anh Nguyễn Quốc Tuấn (hiện là Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), ông đã gặp gỡ Cụ Từ (GS Nguyễn Đức Từ Chi), người mà ông luôn coi là người thầy lớn trong cuộc đời giảng dạy và nghiên cứu của mình. Trong một cuộc rượu tại nhà (nhà C5 KTX Mễ Trì), cụ khuyên: muốn nghiên cứu người Việt, trước hết ông nên nghiên cứu người Mường hoặc một dân tộc thiểu số thuộc nhóm ngôn ngữ này, trên cơ sở đó tiếp cận nghiên cứu so sánh. Theo lời khuyên đó, ông đã đến nhiều vùng Mường, từ Hòa Bình, Thanh Hóa đến Phú Thọ để tìm lại dấu vết văn minh Việt cổ qua các nghi lễ, đặc biệt là nghi lễ nông nghiệp, cũng như mối quan hệ Việt-Mường qua hình tượng Tản Viên, một trong các tứ bất tử của người Việt nhưng còn nguyên vẹn trong tâm thức dân gian Mường, từ nghi lễ gia đình đến nghi lễ cộng đồng mà một vài nhà nghiên cứu đã nêu ra từ cuộc thảo luận về thời đại Hùng Vương. Trên hành trình mở đầu đó, ông trở thành cộng tác viên đắc lực của Sở văn hóa Thông tin Hà Sơn Bình (sau này là Hà Tây) với những bài viết cuối những năm 80 của thế kỷ trước như: Nghi lễ ruộng đồng của người Mường Thịnh Lang; Mấy suy nghĩ về đất mường Lạc Thủy; Đôi điều về xứ Đoài ... được GS Trần Quốc Vượng khen là “cậu viết khá, rất được.’’ Ông kể vui, trong một lần ông và các đồng nghiệp đang trao đổi tại hành lang khoa Lịch sử (tầng 3 nhà B) thì gặp GS Vượng. Bất chợt thầy hỏi: “này các nhà dân tộc học, gốc Việt cổ ở đâu?” Không ngần ngại, ông đáp: “Thưa thầy ở chân núi Ba Vì.” GS Vượng khen: “thằng này giỏi.” Chính điều đó đã thôi thúc ông tiếp tục lần tìm về cội nguồn văn minh dân tộc. Trên hành trình khoa học, từ giữa những năm 80 của thế kỷ trước, ông đã bắt tay vào nghiên cứu các làng nghề và di sản của nghề thủ công truyền thống, trước hết là của người Việt. Từ những dự cảm ban đầu khi đọc “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước” liên quan đến quan điểm nổi tiếng về các cuộc đại phân công lao động xã hội của Ăngghen, ông đã đến nhiều làng nghề ở Hà Nội, Hà Tây, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Thanh Hóa để đối chiếu và đưa ra một nhận định then chốt: khác với bối cảnh phương Tây trong nghiên cứu của Ăngghen, sự phân công không rõ ràng trong lao động, đặc biệt là sự hỗn hợp giữa nông nghiệp và thủ công nghiệp, là một đặc thù nổi bật ở Việt Nam, tồn tại ngay từ buổi đầu của nền văn minh dân tộc và thậm chí còn đậm nét đến ngày nay. Quan điểm này đã được ông khẳng định trong một số nghiên cứu công bố trên các tạp chí chuyên ngành, các hội thảo quốc tế. Đặc biệt là chuyên khảo Nghề dệt cổ truyền ở đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam xuất bản năm 1999. Trên 30 năm qua, với tư cách là giảng viên, chủ nhiệm Bộ môn, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam, ông đã dành sự quan tâm đặc biệt cho nghiên cứu về văn hóa cộng đồng các dân tộc ở nước ta và chính sách dân tộc. Ngay từ năm 1990, ông cùng Lê Ngọc Thắng đã biên soạn cuốn Bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam nhằm giới thiệu về văn hóa từng tộc người. Trong ba thập kỷ qua, ông tiếp tục dành sự quan tâm, suy tư trăn trở cho vấn đề văn hóa và bảo tồn văn hóa, văn hóa và phát triển, văn hóa và bình đẳng dân tộc. Trên hành trình dân tộc học, ông đã có mặt trên hầu khắp mọi miền đất nước, từ cao nguyên đá Đồng Văn đến Trường Sơn Tây Nguyên, từ đồng bằng Bắc Bộ, Trung Bộ, đến đồng bằng Nam Bộ. Từ rất sớm, ông đã nhận thấy sự vận động của văn hóa tộc người và vai trò cốt tử của văn hóa trong đời sống mọi dân tộc. Ông đã có nhiều dịp trình bày văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam tại các diễn đàn và Hội thảo quốc tế ở Tanzania, Trung Quốc, Nhật Bản. Trong số 130 công trình gồm sách và bài viết của ông, có khoảng 40 công trình đề cập đến văn hóa dân tộc, từ Kinh, Mường, Chứt, Tày, Nùng, Thái, Ê đê, Ba Na, Chăm, Khơ me... Không chỉ nghiên cứu cơ bản, ông đã cùng các đồng nghiệp tham gia nghiên cứu tác động của văn hóa cho các dự án phát triển như: dự án xây dựng cảng nước sâu Chân Mây tại Thừa Thiên - Huế; dự án xây dựng khu công nghiệp lọc dầu Dung Quất, dự án Đa dạng hóa nông nghiệp vùng Trường Sơn-Tây Nguyên, công trình nhà máy xây dựng thủy điện Hòa Bình; dự án định hướng hành động hỗ trợ phụ nữ và trẻ em các dân tộc thiểu số Việt Nam của Unicep, qua đó góp phần đưa vấn đề văn hóa trở thành một phần căn bản trong quá trình hoạch địch các dự án và công trình phát triển trọng điểm của đất nước thời kỳ công nghiệp hóa. Trong số các công trình đã công bố, Ông đặc biệt quan tâm vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc ở Việt Nam. Ngoài chính sách dân tộc trong lịch sử với công trình “Chính sách dân tộc của các chính quyền nhà nước phong kiến Việt Nam” (NXB CTQG 2001, viết chung với GS Phan Hữu Dật), Ông đã tham gia biên soạn các bài giảng phục vụ học tập trong các trường đại học, các trường quân đội; nghiên cứu đề xuất các chính sách liên quan đến bảo tồn văn hóa, văn hóa và du lịch, về tính đặc thù đối với các dân tộc có dân thiểu số, các dân tộc đặc biệt khó khăn, về các nguyên tắc trong chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời kiến nghị Đảng cần tổng kết 70 năm chính sách dân tộc trước yêu cầu phát triển mới của đất nước. PGS. TS Lâm Bá Nam tặng sách cho sinh viên (PGS. TS Lâm Bá Nam tặng sách cho sinh viên) Thành công trong công tác đào tạo và xây dựng ngành Nhân học ở Việt Nam nói chung và ở Trường nói riêng trong hơn mười năm qua ghi nhận sự đóng góp quan trọng và tích cực của Ông. Ở những vị trí lãnh đạo Bộ môn, Nhà trường và Hội, Ông đã thúc đẩy, cùng đồng nghiệp triển khai, tháo gỡ nhiều khó khăn để hoàn thành việc xây dựng các chương trình đào tạo ngành Nhân học của Trường và Chương trình khung ngành Nhân học của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như thành lập Bộ môn Nhân thuộc Khoa Lịch sử, Bộ môn Nhân học thuộc Trường và chuẩn bị cho việc thành lập Khoa Nhân học. * * * Lâm Bá Nam nói ông chưa bao giờ nghĩ mình sẽ chọn dân tộc học. Nhưng có một điều chắc chắn là dân tộc học đã chọn ông. Với dân tộc học, người ta cần cái tâm hồn lãng mạn, cái nhiệt tình khám phá và sự chân thành cảm thông để không ngừng lặn lội tìm tòi tới những bản làng xa xôi và thấu hiểu những cộng đồng xa lạ. Nhưng dân tộc học cũng cần không kém cái lý trí, khách quan, để có thể say đến chân vẹo tay xiêu nhưng tâm trí vẫn còn tỉnh táo để nhớ cả một bài mo mường đọc suốt một cuộc rượu dài chưa hết. Làm nghề này cần tâm hồn của một nhà thơ và lý trí của một nhà khoa học. Và vì thế, Lâm Bá Nam đã đến với dân tộc học một cách tự nhiên, chân thành và nhiệt huyết, trong suốt trên ba mươi năm qua, một chặng đường đã dài, và chắc chắn vẫn chưa dừng lại./.

Hà Thư

Without some terms reader pay someone to do your homework https://homework-writer.com/ can get lost in a new topic.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây