Các NCS của Khoa đã trình bày các nội dung và kết quả nghiên cứu mới nhất của mình và nhận những chia sẻ, góp ý từ thầy cô và đồng nghiệp.
NCS Nguyễn Minh Nguyệt trình bày báo cáo về Vấn đề tiếp cận lý thuyết và thực tiễn quản trị thuỷ lợi ở đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2003, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cùng với Cơ quan Phát triển Pháp và Ngân hàng Phát triển châu Á đã tiến hành dự án Phước Hòa nhằm chuyển nước từ sông Bé về hồ Dầu Tiếng trên thượng nguồn sông Sài Gòn để tăng lượng nước phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp của các tỉnh trong khu vực. Trong khuôn khổ của dự án, hai khu tưới mới đã được hình thành là khu tưới Đức Hòa ở tỉnh Long An và khu tưới Tân Biên ở tỉnh Tây Ninh. Khu tưới Đức Hòa, hệ thống kênh thủy lợi là hoàn toàn mới mẻ. Bên cạnh đó, với vị trí nằm tiếp giáp với thành phố Hồ Chí Minh, giao thông được kết nối thuận lợi bằng quốc lộ 22 Xuyên Á, tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa trên địa bàn huyện Đức Hòa, nơi đặt khu tưới diễn ra vô cùng mạnh mẽ. Những vấn đề này đặt ra hàng loạt câu hỏi cho việc quản trị nguồn nước thủy lợi trong khu tưới Đức Hòa, cho sự đảm bảo mục đích theo thiết kế ban đầu của khu tưới trong bối cảnh người nông dân không còn mặn mà giữ đất nông nghiệp trước cơn sốt đất, khi nguồn nước bị san sẻ và bị ảnh hưởng bởi các tác động ngoài nông nghiệp.
Để góp phần tìm ra câu trả lời cho việc quản trị hiệu quả, bền vững nguồn nước ở khu tưới Đức Hòa nói riêng và ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung trong bối cảnh những diễn biến phức tạp về biến đổi khí hậu, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, tăng dân số đang gây ra những hệ quả phức tạp đối với vấn đề quản trị nguồn nước; bài viết vận dụng lý thuyết về quản trị nguồn nước để nhận diện các mô hình quản trị đang được áp dụng tại Việt Nam hiện nay và lý thuyết về “Chính trị hằng ngày”, “Vũ khí của kẻ yếu” để thu thập, nhận diện và phân tích những phản hồi của cộng đồng địa phương trước những thực hành mới về nước do Nhà nước áp dụng. Kết quả thu được sẽ giúp cho các cơ quan quản lý điều chỉnh mô hình quản trị sao cho phù hợp với bối cảnh thực tế, góp phần đạt được mục tiêu mà dự án khu tưới đã đặt ra.
NCS Vũ Đình Mười mang đến tham luận về Một số vấn đề về di cư lao động làm thuê xuyên biên giới của các tộc người thiểu số vùng biên Việt Nam. Tác giả nhận định: Vùng biên giới đất liền nước ta, tiếp giáp với Trung Quốc, Lào và Campuchia là nơi cư trú chủ yếu bởi các tộc người thiểu số (TNTS) và cũng là địa bàn có vị trí vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và chính trị của đất nước. Gần đây, hiện tượng di cư lao động làm thuê xuyên biên giới của các TNTS vùng biên nước ta đã có sự gia tăng nhanh chóng về quy mô và cường độ, tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, xã hội và văn hóa ở vùng biên nước ta theo cả hai hướngddd tích cực và tiêu cực. Trên cơ sở tổng quan tài liệu, tác giả góp phần làm rõ bức tranh tổng quát về thực trạng của hiện tượng này, sự tương đồng và khác biệt giữa các khu vực biên giới; qua đó, nêu lên những khoảng trống, gợi mở hướng nghiên cứu và tiếp cận cho những nghiên cứu tiếp theo.
Với báo cáo Chuyên môn hoá sản xuất địa phương trong bối cảnh đổi mới và nền kinh tế thị trường (Nghiên cứu trường hợp Chuỗi miến ở làng Dương Liễu, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội), NCS Viết Thị Thanh Hà sử dụng tiếp cận chuỗi giá trị và mạng lưới xã hội, với phương pháp nghiên cứu điền dã dân tộc học để tìm hiểu, phân tích và lý giải nghề sản xuất miến ở ở làng Dương Liễu, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội thông qua các quy trình sản xuất, phân phối và tiêu thụ; nghiên cứu lợi nhuận kinh tế của từng công đoạn, mạng lưới xã hội gắn với sự vận hành của các công đoạn nêu trên, bên trong cộng đồng làng và giữa cộng đồng làng nghề với khu vực xung quanh. Qua nghiên cứu trường hợp này, tác giả mong muốn góp phần làm rõ hơn quá trình biến đổi, những thuận lợi, khó khăn của sản xuất làng nghề ở khu vực ven đô Hà Nội trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế.
NCS Lương Thị Minh Ngọc trình bày tham luận Chăm sóc sửc khoẻ: Vấn đề đang đặt ra của cộng đồng tái định cư thuỷ điện. Thông qua việc tổng quan một số nguồn tài liệu nghiên cứu về người Thái ở Việt Nam, về chăm sóc sức khỏe của các cộng đồng dân tộc thiểu số, nghiên cứu này gợi ý rằng tiếp cận ở các khía cạnh về hệ thống y tế, tri thức/tập quán trong chăm sóc sức khỏe của người dân sẽ giúp nhận diện vấn đề chăm sóc sức khỏe của cộng đồng Thái chịu ảnh hưởng từ tái định cư thủy điện Sơn La. Những thông tin thu được về hoạt động chăm sóc sức khỏe sẽ khắc họa và bổ khuyết cho bức tranh đời sống của cộng đồng tái định cư bắt buộc thuộc các dự án phát triển, hướng tới cải thiện đời sống của người dân đang chịu thiệt thòi từ dự án phát triển thủy điện ở nước ta hiện nay.
Tham luận Mô hình kinh tế liên hợp và một số liên hệ với Việt Nam của NCS Lý Cẩm Tú giới thiệu một định hướng phát triển kinh tế mới được áp dụng vào những năm 2001-2010 cho vùng người thổ dân bản địa ở Arnhem Land, miền Bắc nước Úc. Nền tảng của nó xuất phát từ mô hình kinh tế liên hợp hay mô hình kinh tế lai (Hybrid Economy Model - HEM) do giáo sư Jon Altman (Đại học quốc gia Úc) đề xuất vào năm 2001. HEM được xây dựng, phát triển trong bối cảnh Úc - một quốc gia đa tộc người, với chính sách dân tộc theo chủ nghĩa Tân tự do gây nên nhiều tranh luận trái chiều. Tham luận giới thiệu quá trình ra đời, nội dung và những thành tựu bước đầu của HEM, đặt nó trong so sánh với các chương trình phát triển đang được triển khai ở các vùng tộc người thiểu số Việt Nam. Từ đó, tác giả nhận định những ưu điểm của HEM có thể được áp dụng trong bối cảnh nước ta, đồng thời đưa ra một số gợi mở liên quan.
NCS Bùi Minh Hào với Vốn văn hoá trong phát triển thị trường dược liệu của người Dao ở huyện Sapa, tỉnh Lào Cai đề cập đến phát triển thị trường dược liệu - một lĩnh vực quan trọng trong các hoạt động kinh tế của người Dao Đỏ ở huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Đây cũng là một hoạt động kinh tế dựa trên các nguồn lực văn hóa xã hội, chủ yếu là từ nguồn vốn tri thức dân gian, mạng lưới quan hệ xã hội và khả năng tiếp cận thị trường của người dân. Càng ngày, kinh tế dược liệu càng giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống của người Dao Đỏ. Vận dụng khái niệm vốn văn hóa, tác giả hướng đến phân tích quá trình người Dao Đỏ tham gia phát triển hoạt động kinh tế dược liệu và phát triển chuỗi thị trường dược liệu của mình. Đặc biệt, tham luận nhấn mạnh đến vấn đề người Dao Đỏ đã vận dụng vốn văn hóa của mình như thế nào vào quá trình phát triển thị trường dược liệu cũng như những hệ quả từ các hoạt động này.
Nguồn: https://www.ussh.vnu.edu.vn/vi/news/khoa-hoc/hoi-nghi-nckh-danh-cho-hvch-va-ncs-nganh-nhan-hoc-20721.html
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn