Chủ trì Hội nghị là PGS.TS Lâm Minh Châu và TS. Emmanuel Pannier. Hội nghị dành nhiều thời gian để lắng nghe những chia sẻ của sinh viên ngành Nhân học về những khó khăn mà các em gặp phải trong quá trình làm nghiên cứu. Sinh viên Trần Thị Tùng Lâm (K62 Nhân học) cho biết, qua khảo sát có nhiều lý do cản trở sinh viên không tham gia NCKH, đó là: không có thời gian dành cho NCKH, không có hứng thú với NCKH, không có đủ kinh phí thực hiện NCKH, không hiểu cách triển khai một NCKH…
Tùng Lâm cũng chia sẻ một vấn đề mà nhiều bạn trẻ đang gặp phải là sự khủng hoảng về định hướng và tương lai phát triển, nghĩa là không hình dung ra mình sẽ là trở thành ai, công việc trong tương lai là gì, NCKH sẽ có những lợi ích gì cho công việc sau này?… Bên cạnh những lo lắng ấy, sinh viên không vượt qua được chính mình khi bị cám dỗ bởi mạng xã hội, các hoạt động vui chơi ngoài học tập khác hay không dám thử sức với một điều gì đó mới. Nhiều bạn cho rằng Nhân học là ngành học nặng về lý thuyết và bạn chưa hiểu rõ ngành học này có những vị trí công việc cụ thể như thế nào?
Tùng Lâm cũng đề nghị để gỡ bỏ những trở ngại trên, Khoa cần hỗ trợ thêm cho sinh viên các buổi trao đổi khoa học, hướng dẫn quy trình và kỹ năng thực hiện NCKH. Từng tham gia NCKH và giành giải thưởng cấp Khoa và Trường, bạn cũng đưa ra lời khuyên: Sinh viên cần can đảm dám một lần thử thách khả năng của mình trong hoạt động nghiên cứu, tích cực học hỏi thầy cô và dốc sức mình cho công việc này, kết quả đạt được sẽ hoàn toàn xứng đáng. Đó là bạn sẽ trưởng thành về tư duy nhìn nhận, tăng cường kỹ năng giải quyết vấn đề thực tiễn và hiểu giá trị ngành học của mình sâu sắc hơn.
Bên cạnh đó, nhiều sinh viên Nhân học mong muốn được thầy cô giải đáp nhiều vấn đề cụ thể về: Làm thế nào để xác định được chủ đề và đối tượng nghiên cứu trong Nhân học? Cách phối hợp các phương pháp nghiên cứu liên ngành trong Nhân học? Làm thế nào để tiếp cận được với những lý thuyết mới nhất của ngành Nhân học để áp dụng cho nghiên cứu của mình? Nghiên cứu trong Nhân học có gì khác biệt so với các ngành khoa học khác?...
Đồng cảm, chia sẻ và trả lời những thắc mắc của các em sinh viên, PGS.TS Lâm Minh Châu khẳng định: Sinh viên ngành Nhân học có truyền thống mạnh trong NCKH, với đặc trưng thế mạnh là đề tài nghiên cứu rất đa dạng và đề cao nghiên cứu thực địa. NCKH là quá trình chủ động tìm ra tri thức mới qua việc trả lời các câu hỏi nghiên cứu. Tri thức được tạo ra bởi nghiên cứu khác với tri thức tạo ra do kinh nghiệm bởi hoạt động nghiên cứu phải được áp dụng hệ thống phương pháp, lý thuyết nghiên cứu của chuyên ngành, nhờ đó giúp nhà nghiên cứu tìm ra bản chất sâu xa của vấn đề, áp dụng được kết quả nghiên cứu ở những phạm vi rộng lớn hơn. Khác với nhiều ngành khoa học khác, NCKH của Nhân học thiên về nghiên cứu định tính, quan sát, thu thập dữ liệu trực tiếp qua phỏng vấn nhân vật, thâm nhập thực tế; bên cạnh đó cũng kết hợp nhiều phương pháp liên ngành.
ThS. Trần Thuỳ Dương thì lưu ý: Xác định chủ đề, vấn đề nghiên cứu và câu hỏi nghiên cứu là điều rất quan trọng, là điểm khởi đầu của mọi nghiên cứu; thông thường người nghiên cứu quan sát cuộc sống và tìm ra vấn đề mà mình có hứng thú, đam mê để giải quyết, đi tìm câu trả lời. Một số điều lưu ý khác mà sinh viên cần chú ý như: Luôn xác định câu hỏi nghiên cứu trước khi bắt đầu; Giả thuyết nghiên cứu phải từ góc độ khoa học; Không mang câu hỏi nghiên cứu đi hỏi người được phỏng vấn; Câu hỏi phỏng vấn phải tường minh…
Theo TS. Emmanuel Pannier, việc chọn chủ đề nghiên cứu bắt buộc phải có tính mới và trong nghiên cứu Nhân học quan trọng nhất là đi thực địa. Chủ đề nghiên cứu có thể thay đổi khi đi thực địa bởi có những thu nhận thông tin từ cuộc sống thực tế khiến ta phải thay đổi quan điểm của chính mình trước đó. Và các nhà Nhân học rất giỏi về phỏng vấn sâu, phỏng vấn thâm nhập để có thể khai thác thông tin một cách tự nhiên, sinh động và chân thật nhất. Đó là một giá trị mà không phải ngành khoa học nào cũng có được.
Cũng theo thầy Emmanuel Pannier, công việc nghiên cứu khoa học là một hoạt động “cực kỳ thú vị, lãng mạn và đầy đam mê”. Thông qua tìm hiểu những đặc điểm của một nền văn hoá khác, trên tinh thần tôn trọng sự đa dạng về văn hoá, bạn có thể làm giàu thêm thế giới quan cuộc sống, hiểu hơn về chính bản thân mình và có thêm những góc tiếp cận, giải quyết vấn đề thi vị hơn cho chính cuộc sống và công việc của mình.
TS. Nguyễn Vũ Hoàng thì chia sẻ về tầm quan trọng của áp dụng các lý thuyết Nhân học để soi chiếu trong nghiên cứu. Sinh viên cần chăm chỉ tích luỹ dài lâu các kiến thức này bằng cách đọc sách, nghiên cứu lý thuyết của các nhà Nhân học trên thế giới, từ đó chọn cho mình lăng kính lý thuyết phù hợp với vấn đề nghiên cứu.
TS. Phan Phương Anh thì đề cao tư duy phản biện trong NCKH. Mỗi khi có một sự kiện hay hiện tượng xã hội mới chính là cơ hội đề các nhà Nhân học tìm ra những đóng góp mới về lý thuyết hay tìm cách giải quyết các vấn đề thực tiễn của khoa học, của đời sống xã hội.
Những chia sẻ của các thầy cô đã gợi mở cho các sinh viên ngành Nhân học những giá trị mà các nghiên cứu khoa học của Nhân học hiện nay đóng góp vào sự phát triển của xã hội và mang lại hạnh phúc cho con người trên nhiều lĩnh vực đời sống; qua đó giúp các em nhìn ra triển vọng và tương lai tốt đẹp của các công việc, lĩnh vực ngành nghề liên quan đến Nhân học và vững tin hơn vào con đường học tập, rèn luyện của mình. Các thầy cô cũng khẳng định trong tương lai sẽ tổ chức nhiều hơn những buổi hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu khoa học giữa sinh viên và thầy cô để các em kịp thời nhận được sự động viên, hỗ trợ về cả vật chất và tinh thần cho hoạt động này.
Nguồn:https://ussh.vnu.edu.vn/vi/news/khoa-hoc/giai-phap-nang-cao-chat-luong-nckhsv-nganh-nhan-hoc-20717.html
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn