Trong hơn một thế kỷ qua, sự chuyển đổi từ Dân tộc học sang Nhân học ở Việt Nam đã làm cho Nhân học trở thành một ngành khoa học có tính lý luận và thực tiễn đặc biệt sâu sắc, với một hệ thống các cơ quan nghiên cứu, giáo dục và thực hành Nhân học quy tụ hàng trăm cán bộ nghiên cứu, giảng dạy và thực hành chính sách về con người.
Bằng những minh chứng rõ ràng, từ tiếng nói của những người trong ngành, với cái nhìn toàn cầu, khu vực và quốc gia, bao quát nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và đào tạo, hướng đến độc giả người Việt Nam, cuốn sách này mang đến cho bạn đọc những kiến thức cơ bản và khải quát về Nhân học, một ngành khoa học nghiên cứu toàn diện về con người.
Cuốn sách bao gồm 26 bài viết, được cấu trúc thành ba phần, tập trung làm rõ tên gọi, định nghĩa, đối tượng và phạm vi nghiên cứu, lịch sử hình thành và phát triển, các tiếp cận lý thuyết, các phương pháp và chủ đề nghiên cứu, những đóng góp và triển vọng của ngành Nhân học nói chung, các phân ngành và các chuyên ngành của Nhân học nói riêng. Phần I gồm bốn bài “Nhân học là gì?”, “Nhân học sinh học”, “Khảo cổ học”, “Nhân học ngôn ngữ” giúp bạn đọc hiểu rõ nhân học là một ngành khoa học nghiên cứu một cách toàn diện về con người như thế nào. Phần II là 20 bài viết giới thiệu cụ thể hơn các chuyên ngành của phân ngành Nhân học văn hóa, dù ở một số góc độ cụ thể các bài viết ít nhiều có liên quan đến những phân ngành còn lại của Nhân học. Phần III là hai bài viết về lý thuyết và phương pháp nghiên cứu trong hai phân ngành Nhân học văn hóa và Nhân học ngôn ngữ.
Với một cấu trúc logic và văn phong dễ hiểu, được minh họa bằng nhiều ví dụ sinh động, hy vọng cuốn sách là một tài liệu hữu ích cho sinh viên Nhân học, sinh viên các trường đại học, học sinh phổ thông trung học và những độc giả muốn tìm hiểu về ngành Nhân học. Cuốn sách cũng là một tài liệu tốt phục vụ nghiên cứu và giảng dạy Nhân học.
Nguồn: ussh.vnu.edu.vn/vi/news/khoa-hoc/gioi-thieu-sach-nhan-hoc-nganh-khoa-hoc-ve-con-nguoi-20710.html