DIỄN VĂN KỶ NIỆM 60 NĂM TRUYỀN THỐNG KHOA NHÂN HỌC CỦA PGS.TS. NGUYỄN VĂN SỬU - TRƯỞNG KHOA NHÂN HỌC

Thứ ba - 22/12/2020 10:48
DIỄN VĂN KỶ NIỆM 60 NĂM TRUYỀN THỐNG KHOA NHÂN HỌC CỦA PGS.TS. NGUYỄN VĂN SỬU - TRƯỞNG KHOA NHÂN HỌC
DIỄN VĂN KỶ NIỆM 60 NĂM TRUYỀN THỐNG KHOA NHÂN HỌC CỦA PGS.TS. NGUYỄN VĂN SỬU - TRƯỞNG KHOA NHÂN HỌC

DIỄN VĂN KỶ NIỆM 60 NĂM TRUYỀN THỐNG KHOA NHÂN HỌC CỦA PGS.TS. NGUYỄN VĂN SỬU - TRƯỞNG KHOA NHÂN HỌC

Xin nhiệt liệt đón chào và trân trọng cảm ơn các vị khách quý, các thầy cô giáo, các bạn đồng nghiệp đã đến dự Lễ kỷ niệm 60 năm truyền thống Khoa Nhân học. Tổ bộ môn Dân tộc học - Khảo cổ học được thành lập năm 1960 ở Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội là tiền thân của Khoa Nhân học hôm nay. Trong 60 năm xây dựng và phát triển, Tổ bộ môn Dân tộc học ở Khoa Lịch sử từng bước trưởng thành, trở thành Bộ môn Dân tộc học vào năm 1967, đổi tên thành Bộ môn Nhân học năm 2004, tách ra từ Khoa Lịch sử thành Bộ môn Nhân học trực thuộc Trường năm 2010, và trở thành Khoa Nhân học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2015. Trong chặng đường 6 thập kỷ xây dựng và phát triển, Khoa Nhân học đã trở thành nơi hội tụ của nhiều nhà giáo, nhà khoa học tài danh và đức độ, từ vị tổ trưởng tổ bộ môn đầu tiên là PGS. Vương Hoàng Tuyên, đến các thầy Hoàng Hoa Toàn, GS. Phan Hữu Dật, GS. Hoàng Nam, PGS. Hoàng Lương, PGS. Lê Sỹ Giáo, và các thầy cô giáo đang làm việc ở Khoa Nhân học hôm nay. Hiện nay, Khoa Nhân học là ngôi nhà thứ hai của 17 cán bộ giảng viên, trong có 6 PGS, 5 TS, và 4 ThS đang làm NCS, với gần 80% đội ngũ giảng viên được đạo tạo tiến sĩ và thạc sĩ ở các trường đại học có uy tín tại các trung tâm Nhân học của thế giới, như Anh, Canada, Hà Lan, Mỹ, Pháp, Úc, ... Khoa Nhân học cũng là một trung tâm của sự giao lưu và kết nối nhân học ở trong nước và quốc tế, tổ chức và triển khai nhiều hoạt động hợp tác nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh. Ngay từ năm 1960, nhà dân tộc học Xô-viết, PGS. Bushugin đã sang hỗ trợ xây dựng chương trình và giảng dạy Dân tộc học. Trong thời kỳ Đổi mới, nhiều trường đại học, các tổ chức quốc tế và các nhà nhân học từ khắp các châu lục đã tìm thấy ở Khoa một địa chỉ tin cậy để hợp tác, hỗ trợ, phối hợp triển khai các hoạt động nghiên cứu, đào tạo nhân học và công bố quốc tế. Sự hội tụ, giao lưu và kết nối ở trong nước và nước ngoài là tiền đề và cơ sở vững chắc để Khoa kiến tạo và lan toả tri thức nhân học. Trong 10 năm qua, đội ngũ giảng viên của Khoa đã chủ trì và thực hiện 37 đề tài, dự án nghiên cứu, công bố hơn 50 công trình công bố quốc tế, 22 đầu sách chuyên khảo và tham khảo, không chỉ đưa Khoa Nhân học trở thành một trong những đơn vị có thành tích vượt trội trong nghiên cứu khoa học, hợp tác và công bố quốc tế, mà còn đóng góp cho nền nhân học thế giới các công trình nghiên cứu có tính gốc, tham gia thảo luận một số vấn đề học thuật trên các diễn đàn khoa học quốc tế liên quan đến Việt Nam. Trong công tác đào tạo, từ khoá sinh viên đầu tiên tốt nghiệp chuyên ngành Dân tộc học vào năm 1971 đến nay, hơn 1.500 Cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ đã và đang được đào tạo ở Bộ môn Dân tộc học trước đây và Khoa Nhân học hôm nay. Trong số đó, có nhiều người sau khi tốt nghiệp đã trở thành những cán bộ lãnh đạo, quản lý và các chuyên gia chủ chốt của các viện nghiên cứu, các cơ sở giáo dục đại học, các cơ quan Đảng và Nhà nước. Những thành tích nêu trên của Khoa được xã hội ghi nhận, được Đảng và Nhà nước vinh danh bằng các danh hiệu cao quý, như Huân Chương Lao Động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua và Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Kính thưa quý vị! 60 năm truyền thống không chỉ là quá khứ, mà còn là một tài sản lớn của hiện tại và cho tương lai. Đặt trong bối cảnh thế giới, đất nước và ngành Nhân học đang không ngừng thay đổi; trên nền tảng của truyền thống lâu đời, Khoa Nhân học quyết tâm hướng đến một giai đoạn phát triển mới mạnh mẽ hơn; xác định rõ tầm nhìn quốc gia, khu vực và thế giới; với tâm thế dấn thân, đổi mới và kết nối; xứng danh với tám chữ "TRUYỀN THỐNG LÂU ĐỜI, TRI THỨC HIỆN ĐẠI", để nâng cao hơn nữa chất lượng nghiên cứu khoa học, mở rộng và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, giảng dạy chất lượng cao, ứng dụng hiệu quả tri thức nhân học vào giải quyết các vấn đề của thực tiễn đời sống xã hội đương đại. Kính thưa quý vị! Sáu thập kỷ là chặng đường xây dựng và phát triển để Khoa Nhân học khẳng định vững chắc vị thế, chỗ đứng và bản sắc của một trong những trung tâm Nhân học ở Việt Nam được định danh trên bản đồ nhân học thế giới. Nhìn vào hiện tại và nhìn lại chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển, tập thể cán bộ Khoa Nhân học vô cùng vui mừng, và trân trọng những sự hợp tác, hỗ trợ, động viên to lớn, thiết thực của các cá nhân, tổ chức và cơ quan ở trong nước và nước ngoài dành cho Khoa. Thay mặt Khoa Nhân học, tôi xin trân trọng cảm ơn các thế hệ lãnh đạo của Nhà trường và Khoa Lịch sử. Xin cảm ơn Ford Foundation, Wenner-Gren Foundation và các nhà khoa học quốc tế mà tôi không có dịp nêu tên ở đây, trong những năm qua đã cộng tác và hỗ trợ hiệu quả cho quá trình phát triển của Khoa Nhân học. Xin tri ân Viện Dân tộc học, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên đã hỗ trợ và cộng tác với Khoa trong các hoạt động nghiên cứu và đào tạo. Xin tri ân cố GS. Phan Hữu Dật, cùng gia đình, đã dành tặng Khoa hàng ngàn đầu sách và tài liệu quý, trao tặng Khoa kinh phí để thành lập Quỹ Giải thưởng Phan Hữu Dật. Tính đến nay, Quỹ Giải thưởng Phan Hữu Dật đã trao tặng 70 suất Giải thưởng cho sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh của Khoa có thành tích cao trong học tập và nghiên cứu khoa học. Xin trân trọng cảm ơn PGS. Nguyễn Văn Huy và đại gia đình cố GS Nguyễn Văn Huyên, đã ủng hộ, trao tặng Khoa 150 triệu đồng để thành lập Quỹ Nguyễn Văn Huyên. Xin trân trọng cảm ơn Viện Nghiên cứu Phát triển Pháp - IRD, Ban Giám hiệu Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Nhà xuất bản ĐHQGHN đã hỗ trợ các hoạt động kỷ niệm 60 năm truyền thống của Khoa. Xin tri ân các thế hệ thầy cô giáo từ thời kỳ Tổ bộ môn Dân tộc học đến nay. Đặc biệt, xin tri ân PGS. Hoàng Lương, PGS. Lê Sỹ Giáo, PGS. Lâm Bá Nam, PGS. Nguyễn Văn Chính, thầy Phạm Văn Thành về những đóng góp to lớn, đầy ý nghĩa cho sự phát triển của Khoa. Xin kính chúc toàn thể quý vị dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, và thành công! Xin trân trọng cảm ơn.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây