Thuyết trình “Mong ước một cuộc sống tốt đẹp ở Seoul: Đạo đức và kinh tế qua tự sự của người Hàn Quốc trẻ”
Ngày 23/9/2019, Khoa Nhân học đã tổ chức seminar khoa học với chủ đề “Mong ước một cuộc sống tốt đẹp ở Seoul: Đạo đức và kinh tế qua tự sự của người Hàn Quốc trẻ”.
Diễn giả tại seminar là nhà nhân học Carolin Landgraf, giảng viên tại Viện Nghiên cứu Nhân học văn hóa và xã hội, Đại học Goettingen (Đức). Chủ trì seminar là TS. Frank Proschan, học giả Fulbright hiện đang thỉnh giảng tại khoa Nhân học.
Người thuyết trình là nhà nhân học Carolin Landgraf
Nội dung bài trình bày của Carolin tập trung phân tích những mong đợi và kỳ vọng của thanh niên Hàn Quốc hiện nay về thế nào là một cuộc sống “tốt đẹp”. Trên cơ sở quá trình nghiên cứu thực địa tại Hàn Quốc từ tháng 9/2012 đến tháng 9/2013, tác giả cho thấy các thanh niên Hàn Quốc và đang theo đuổi một cuộc sống tốt đẹp như thế nào, tập trung vào bốn phương diện chính là giáo dục, nghề nghiệp, hôn nhân và nhà cửa.
Gắn liền với quá trình phát triển nhanh chóng của xã hội Hàn Quốc kể từ những năm 1950s, trong xã hội Hàn Quốc đã dần hình thành niên một hệ tiêu chuẩn về thế nào là một cuộc sống tốt đẹp. Các tiêu chuẩn của một cuộc sống như vậy bao gồm việc theo học một trong các trường đại học hàng đầu ở Seoul, trở thành một công nhân “cổ trắng” trong các tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc, kết hôn và lập gia đình, sở hữu một căn hộ. Tuy nhiên, Carolin cho thấy rằng việc đáp ứng những tiêu chuẩn này đang ngày càng trở nên khó khăn với các thanh niên Hàn Quốc, và họ đang bắt đầu đặt câu hỏi rằng liệu đây có thực sự là một cuộc sống tốt đẹp như họ mong muốn. Nghiên cứu của Carolin đã phân tích cách thức các thanh niên Hàn Quốc thích ứng và cân bằng giữa những giá trị và quan niệm khác nhau về cuộc sống, đặc biệt là cách họ xử lý mối quan hệ giữa những yêu cầu về đạo đức và việc mưu cầu tiền bạc.