Nhà Nhân học Frank Proschan tặng sách cho Khoa Nhân học
Ngày 13/9/2019 vừa qua, GS. Frank Proschan - nhà Nhân học người Mỹ, giảng viên của Chương trình Fulbright - đã tặng một số đầu sách khoa học cho thư viện của Khoa Nhân học.
GS. Frank Proschan - nhà Nhân học người Mỹ có nhiều nghiên cứu về Việt Nam
GS. Frank Proschan là người được đào tạo về Nhân học ở các đại học danh tiếng của Mỹ. Ông nghiên cứu về Việt Nam và công bố nhiều công trình trên các tạp chí và nhà xuất bản có uy tín về Việt Nam. Ông còn là chuyên gia về di sản văn hóa phi vật thể và cán bộ quản lý chương trình của UNESCO ở Paris trong nhiều năm, từ 2006 đến 2015. Ông đã có nhiều đóng góp cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các tộc người ở Việt Nam, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ. Năm 2004, ông được Chủ tịch nước Trần Đức Lương trao tặng Huy chương Hữu nghị cho những hoạt động khoa học liên quan đến phát triển ngành Nhân học tại Việt Nam.
GS. Frank Proschan hiện đang làm việc tại Khoa Nhân học (Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN) với tư cách là giảng viên của Chương trình Fulbright của Chính phủ Mỹ (Fulbright Teaching Scholar), giúp hỗ trợ thúc đẩy quốc tế hóa các hoạt động nghiên cứu và giảng dạy của Khoa Nhân học. Ông giảng dạy hai lớp học bằng tiếng Anh là trong học kỳ 1 năm học 2019-2020 là: "Văn hóa, bảo tồn và phát triển" và "Kỹ năng trao đổi khoa học trong Nhân học". Tham gia hai lớp học này các giảng viên, cán bộ nghiên cứu, NCS và học viên của Khoa Nhân học, các đơn vị trong và ngoài trường; cùng với các học viên cao học Đại học Uppsala (Thụy Điển) sang Khoa Nhân học theo chương trình trao đổi giảng viên và sinh viên.
Ngoài ra, GS. Frank Proschan còn lựa chọn và mua nhiều cuốn sách giáo trình và tham khảo bằng tiếng Anh tặng Khoa Nhân học để tăng cường thư viện của Khoa, hỗ trợ thúc đẩy và nâng cao chất lượng nghiên cứu và giảng dạy của Khoa theo chuẩn mực quốc tế.
GS. Frank Proschan trao tặng sách cho PGS.TS Nguyễn Văn Sửu - Trưởng khoa Nhân học
Chia sẻ về chuyến thăm và làm việc tại Khoa Nhân học, GS. Frank Proschan cho biết: Chương trình Học giả Fulbright cho phép các học giả Việt Nam tới Hoa Kỳ thực hiện nghiên cứu trong ngắn hoặc dài hạn; cũng như các sinh viên và học giả Hoa Kỳ tới Việt Nam làm nghiên cứu hoặc giảng dạy. Chúng tôi đã lên kế hoạch cho hai khóa học lần này từ 3 năm trước, với sự giúp đỡ rất nhiệt tình của anh Sửu (PGS.TS Nguyễn Văn Sửu - Trưởng khoa Nhân học), cũng như Giang (PGS.TS Nguyễn Trường Giang - Phó trưởng khoa Nhân học) và những cán bộ khác của Khoa. Một trong những điểm rất hay của Chương trình Học giả Fulbright là tài trợ một khoản tiền để các giáo sư Mỹ mua học liệu cho thư viện ở cơ sở sở tại. Chúng tôi đã mua một số sách rất hữu ích về chủ đề văn hóa, ngoài ra còn có một số giáo trình và sổ tay về xuất bản ở Mỹ. Mỗi học viên sẽ được mượn một giáo trình trong khóa học.
PGS.TS Nguyễn Văn Sửu đã thay mặt Khoa Nhân học gửi lời cảm ơn tới GS. Frank Proschan đã tặng sách và tham gia giảng dạy tại Khoa. Khóa học của GS. Frank Proschan sẽ không chỉ cung cấp các kiến thức, kỹ năng về di sản và văn hóa, thực hiện các nghiên cứu và bài luận mà còn giúp các giảng viên trong Khoa nâng cấp kỹ năng giảng dạy. Tuyển tập sách mà GS. đã chọn rất hữu ích và các giảng viên trong và ngoài Khoa đều có thể sử dụng những cuốn sách này phục vụ việc nghiên cứu và giảng dạy.
GS.TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng Nhà trường tiếp GS. Frank Proschan vào chiều 13/9/2019
GS. Frank Proschan: Tôi trở thành Học giả Fulbright và tham gia dạy hai khóa sau đại học tại Khoa Nhân học, Trường ĐHKHXH&NV. Các chủ đề đã được thảo luận kỹ với thầy trưởng khoa Nguyễn Văn Sửu. Khóa đầu tiên là “Văn hóa, bảo tồn và phát triển”, được dựa trên nền tảng kiến thức từ lâu của tôi về bảo tồn di sản văn hóa và chính sách văn hóa ở Việt Nam và trên thế giới. Khóa thứ hai là “Trao đổi học thuật về Nhân học”, nhằm thúc đẩy các kỹ năng tư duy và thực hành của sinh viên trong việc quảng bá các kết quả nghiên cứu Nhân học tới công chúng quốc tế trong nhiều bối cảnh, từ bài báo khoa học tới tham luận hội thảo, triễn lãm trong bảo tàng.
Các học viên tham gia sẽ gồm cả học viên cao học, nghiên cứu sinh và giảng viên ở Khoa. Cả hai khóa được tổ chức theo dạng tọa đàm, đòi hỏi học viên tích cực tham gia thảo luận; đồng thời phải đọc tài liệu và viết luận với lịch khá dày đặc. Ngôn ngữ sẽ là tiếng Anh, nhưng Khoa Nhân học sẽ có trợ giảng song ngữ để có thể hỗ trợ. Các bài học sẽ bao gồm cả tư liệu tiếng Anh và tiếng Việt (có cả tài liệu dịch). Phần tọa đàm diễn ra trong 15 tuần, mỗi tọa đàm kéo dài từ 90-120 phút.
Ngoài hai khóa học chính, tôi sẽ hỗ trợ riêng các đồng nghiệp, giảng viên, học viên sau đại học trong giờ hành chính, cũng như hỗ trợ Khoa lên kế hoạch xây dựng chương trình. Nhờ quan hệ lâu năm với rất nhiều cơ sở học thuật ngoài ĐHKHXH&NV, tôi cũng sẽ có những buổi trao đổi, giao lưu (rất có thể bao gồm thỉnh giảng) tại Bảo tàng Dân tộc học, Viện Nhân học, Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Ngôn ngữ, Viện Nghiên cứu Văn hóa và Nghệ thuật, Viện Âm nhạc học Việt Nam, Đại học Văn hóa Hà Nội - tất cả đều là đối tác của tôi trước đây. Tuy nhiên, nhiệm vụ giảng dạy ở Trường ĐHKHXH&NV sẽ vẫn là ưu tiên lớn nhất.
|
Nguồn: http://ussh.vnu.edu.vn/d6/vi-VN/news/Nha-Nhan-hoc-Frank-Proschan-tang-sach-cho-Khoa-Nhan-hoc-1-702-19243