GS. Phan Hữu Dật và Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội: Đôi điều ghi
Ngày 21/4/2019, tang lễ cố GS.TS.NGND Phan Hữu Dật – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, một trong những giáo sư đầu ngành về Nhân học đã được ĐHQGHN và gia quyến cử hành trang trọng tại Nhà tang lễ quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Cổng Thông tin Điện tử ĐHQGHN trân trọng giới thiệu đôi dòng cảm nghĩ của GS.TS.NGND Vũ Dương Ninh tưởng nhớ người Thầy, người đồng nghiệp – GS.TS.NGND Phan Hữu Dật.
Hồi 2h52 phút sáng ngày 18 tháng 4 năm 2019, GS.TS.NGND Phan Hữu Dật đã rời cõi tạm, về chốn vĩnh hằng, thọ 92 tuổi. Thầy để lại nhiều công trình nghiên cứu có giá trị cao về Dân tộc học, được tôn vinh như một trong những nhà khoa học hàng đầu đặt nền móng cho ngành Dân tộc học Việt Nam dưới thời Dân chủ Cộng hòa, một nhà giáo góp phần to lớn vào việc đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu Dân tộc học đông đảo, đầy tiềm năng.
Song còn phải kể đến một lĩnh vực rất quan trọng mà GS. Phan Hữu Dật đã dành tâm huyết và trí tuệ đóng góp trong gần suốt cuộc đời. Đó là việc xây dựng Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội trên cương vị cán bộ quản lý - từ Phó chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Khoa Lịch sử (1965-1975), Phó Hiệu trưởng, Quyền Hiệu trưởng rồi Hiệu trưởng Nhà trường (1977-1988) trên chặng đường một phần ba thế kỷ.
Gia quyến cố GS.TS.NGND Phan Hữu Dật
Vào nửa đầu những năm 60, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội mới thành lập chưa được mười năm. Mỗi khóa học chỉ có 3 năm, sau nâng dần lên 4 năm. Cán bộ giảng dạy, ngoài một số giáo sư cao tuổi nổi tiếng, còn lớp trẻ đều tuyển chọn từ nguồn sinh viên mới tốt nghiệp của Trường ĐH Sư phạm và Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Giữa lúc ấy, Khoa Lịch sử đón nhận một vị Phó tiến sĩ (nay gọi là Tiến sĩ) từ ĐH Lomonosov về, chuyên ngành Dân tộc học. Đây là điều rất đặc biệt vì hồi bấy giờ, số người tốt nghiệp ĐH từ nước ngoài còn rất hiếm, lại chưa mấy ai là Phó tiến sĩ. Cho nên sự xuất hiện của thầy Phan Hữu Dật là một “hiện tượng”. Cánh cán bộ giảng dạy trẻ chúng tôi vừa mừng nhưng vừa có phần e ngại vì cái dáng cao lớn, tiếng nói sang sảng đậm nét Huế và nhất là học vị rất cao của Thầy. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, phong cách gần gũi, thân mật của Thầy đã nhanh chóng xóa đi khoảng cách đó, nhất là khi nhà trường sơ tán lên Đại Từ (Thái Nguyên), cuộc sống gian khổ làm cho mọi người nhanh chóng gắn kết, chan hòa với nhau.
Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn đọc điếu văn tiễn đưa GS.TS.NGND Phan Hữu Dật về cõi vĩnh hằng
Điều nổi bật là sự đóng góp về công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của Thầy vào sự lớn mạnh của Khoa Lịch sử và của Nhà trường. Chương trình học tập ban đầu khá sơ giản, được nâng dần lên qua việc vận dụng kinh nghiệm đào tạo của Liên Xô. Là Phó Chủ nhiệm Khoa Lịch sử phụ trách chuyên môn, Thầy góp nhiều công sức vào việc hoàn thiện chương trình đào tạo và tổ chức học tập. Trong những năm đầu, sinh viên tốt nghiệp bằng kỳ thi cuối khóa với vài bài thi làm trên giấy. Áp dụng kinh nghiệm Liên Xô, một số sinh viên xuất sắc được làm khóa luận tốt nghiệp và bảo vệ trước hội đồng bộ môn. Hình thức mới này đã động viên phong trào học tập trong khoa, sinh viên cố gắng để được chọn làm khóa luận, các thầy cô cố gắng nghiên cứu tìm đề tài, tìm tài liệu hướng dẫn. Không khí học tập sôi nổi hẳn lên, chất lượng dần được nâng cao. Bây giờ nhớ lại, như nhiều thầy cô nhận xét, hồi đó việc bảo vệ khóa luận tốt nghiệp ĐH không khác gì bảo vệ luận án thạc sĩ, tiến sĩ ngày nay!
Mặc dầu hoàn cảnh chiến tranh hết sức gian khổ, điều kiện học tập gặp nhiều khó khăn nhưng việc tổ chức sinh viên đi thực tập, thực tế được duy trì đều đặn, các bộ môn gắn với thực tiễn cuộc sống ở nhiều địa phương, kể cả ở những vùng chiến sự căng thẳng. Và thầy Dật, cũng ba lô lên vai, trèo đèo lội suối hòa cùng sinh viên và đồng bào các địa phương. Hoạt động sôi nổi và cách sống bình dị đã gắn bó Thầy với nhiều thế hệ sinh viên trong những năm sơ tán và nhiều khóa sau này.
Ngay trong những ngày tháng chiến tranh đầy gian khó, thầy Phan Hữu Dật vẫn quan tâm đến việc phát triển các ngành học mới. Bên các ngành được xây dựng ngay từ buổi đầu thành lập Khoa Lịch sử như Lịch sử Việt Nam, Lịch sử Thế giới, Dân tộc học, Khảo cổ học… Thầy đã mạnh dạn gửi cán bộ đi học, đi thực tế để lập các các ngành mới như Thư viện học, Lưu trữ học... mà ngày nay đều trở thành những khoa lớn trong Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Mùa xuân năm 1975, theo đà tiến công như vũ bão của đoàn quân tiến về giải phóng miền Nam, nhiều nhà giáo được lệnh chuẩn bị vào tiếp quản các trường ĐH Sài Gòn. Với chiếc mũ tai bèo cùng bộ đồng phục quân Giải phóng, thầy Phan Hữu Dật lên đường vào Nam ngay từ những chuyến điều động đầu tiên, khi tiếng súng trên chiến trường chưa ngừng hẳn. Ngay sau ngày 30 tháng 4, các nhà giáo miền Bắc đã nhanh chóng tiếp quản các trường ĐH và khôi phục việc học tập. Thầy Phan Hữu Dật về lãnh đạo Trường ĐH Văn khoa Sài Gòn, ổn định tổ chức kịp cho việc khai giảng năm học mới. Nắm vững lực lượng nhà trường ngoài Bắc, Thầy lần lượt mời nhiều giảng viên giỏi từ Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội vào giảng dạy, tạo nên một luồng không khí mới cho nền giáo dục miền Nam. Các lớp sinh viên đón nhận nhiều kiến thức mới với niềm háo hức và được thuyết phục qua các bài giảng. Đồng thời, Thầy Dật lo việc đặt nền tảng xây dựng đội ngũ giảng viên cho bản thân nhà trường để dần dần các trường miền Nam tự lập và phát triển mạnh mẽ.
Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn ghi sổ tang: "Vô cùng thương tiếc thầy - GS.TS.NGND Phan Hữu Dật. Các thế hệ cán bộ, học trò Đại học Tổng hợp trước đây và ĐHQGHN hiện nay mãi ghi nhớ về thầy, một nhân cách mẫu mực, nhà khoa học xuất sắc, bậc đại sư đáng kính lịch sử của Đại học Tổng hợp mãi mang dấu ấn của thầy. Nền giáo dục Việt Nam mãi ghi dấu ấn nhà giáo dục Phan Hữu Dật. Ngành Dân tộc học - Nhân học ghi nhớ công lao khai mở, tạo nền móng của thầy".
Sau vài năm đầu gian nan khôi phục và xây dựng các ngành khoa học xã hội và nhân văn ở Trường ĐH Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 1977 thầy Phan Hữu Dật trở lại miền Bắc, đảm trách cương vị Phó Hiệu trưởng rồi quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Vị hiệu trưởng đáng kính hồi đó là Giáo sư Ngụy Như Kontum, nhà vật lý học nổi tiếng, nhà khoa học tiêu biểu của đội ngũ trí thức yêu nước, hết lòng phục vụ nhân dân. Có điều kiện làm việc gần các vị lãnh đạo nhà trường ở cương vị Trưởng phòng Tổng hợp, tôi cảm nhận sâu sắc sự tin cậy đặc biệt của Giáo sư Hiệu trưởng dành cho Thầy Phan Hữu Dật. Hầu như các chủ trương lớn của Nhà trường đều có sự trao đổi riêng giữa hai thầy trước khi đưa ra bàn bạc tập thể. Thầy Dật luôn thể hiện lòng kính trọng và dành sự quan tâm hết sức chu đáo đối với thầy Hiệu trưởng từ công việc chung đến tình hình sức khỏe và điều kiện sinh hoạt riêng.
Trong thời gian này, cả nước gặp nhiều khó khăn do chế độ bao cấp và tình trạng bị bao vây cô lập trên bình diện quốc tế. Bên chuyện giảng dạy và học tập là mối lo thường ngày về từng bữa ăn cho sinh viên, từ lương thực, thực phẩm cho đến chất đốt, nhà ở… Tập thể Ban giám hiệu hồi đó với các vị Hiệu phó Đặng Huy Chi, Phan Tống Sơn, Phan Văn Hạp cùng bí thư Đảng ủy Nguyễn Duy Quý đã phải “gồng mình” để xử lý từng vụ việc về học tập, về ăn ở nhằm bảo đảm ổn định mọi hoạt động của Nhà trường.
GS.TSKH Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQGHN ghi sổ tang
Khi đất nước bắt đầu mở cửa theo đường lối Đổi mới, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội nhanh chóng thiết lập mối quan hệ với nhiều trường ĐH nước ngoài. Bên cạnh các mối quan hệ truyền thống với các nước XHCN, đặc biệt với Liên Xô, Ba Lan, Cộng hòa Dân chủ Đức…, Nhà trường đã đón các học giả đến từ Mỹ, Pháp, Hà Lan, Nhật Bản…, thiết lập sự trao đổi học thuật thường xuyên và sự hợp tác giúp đỡ từ phía các nước bạn. Nhờ vậy, nhiều đoàn giảng viên của Trường đi nước ngoài trao đổi khoa học, nhiều chương trình hợp tác Việt - Pháp, Việt – Hà Lan được hình thành… Trong lĩnh vực này, sau khi GS. Ngụy Như Kontum nghỉ hưu, thầy Phan Hữu Dật đã lãnh đạo rất thành công nhiều hoạt động đối ngoại của Nhà trường. Trường ĐH Tổng hợp là trường đầu tiên cử đoàn chuyên gia giáo dục bậc ĐH sang châu Phi, gồm các giảng viên về toán học, vật lý học, triết học và sử học. Qua các hoạt động đối ngoại, có thể thấy thầy Phan Hữu Dật là người rất có kinh nghiệm trong giao tiếp quốc tế với vốn ngoại ngữ thông thạo (Pháp, Nga, Anh), với tầm hiểu biết sâu sắc về văn hóa phương Đông, văn hóa Âu Tây và Xô viết. Với phong cách giao tiếp cởi mở, thân tình, Thầy nhanh chóng thu hút các vị khách nước ngoài mà ban đầu không khỏi có những điều e ngại.
GS.TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn ghi sổ tang
Nhớ lại những thập niên 1970 - 1980, trong điều kiện cực kỳ khó khăn do tình trạng đất nước bị bao vây, cấm vận, những thành tựu bước đầu của Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội là thành công lớn trong lĩnh vực đối ngoại, đặt cơ sở cho quan hệ quốc tế rộng mở sau này. Nhờ vậy, vị thế quốc tế của Nhà trường ngày càng mở rộng và nâng cao. Và qua đó, góp phần đẩy mạnh sự phát triển một số lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khác của Nhà trường.
Là nguồn cán bộ nòng cốt xây dựng ĐHQGHN, đội ngũ giáo sư, giảng viên Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội đã đóng góp phần quan trọng vào sự lớn mạnh về tổ chức, công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học của một mô hình ĐH mới. Các thầy cô giáo cao niên mỗi khi gặp nhau đều nhắc đến những kỷ niệm của một thời sổi nổi, đầy gian khổ nhưng rất đỗi tự hào với truyền thống vẻ vang của Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Một trong những người đã dành nhiều công sức và trí tuệ cho sự phát triển của Nhà trường chính là GS.TS. NGND Phan Hữu Dật kính mến.
Vài dòng cảm nghĩ đơn sơ thay nén tâm nhang tưởng nhớ người Thầy đáng kính trong giờ phút thiêng liêng tiễn đưa Thầy về cõi Vĩnh hằng, về miền Cực lạc.
Hà Nội ngày 20.4.2019
https://vnu.edu.vn/ttsk/?C1654/N23994/GS.-Phan-Huu-Dat-va-Truong-dai-hoc-Tong-hop-Ha-Noi---doi-dieu-ghi-nho-.htm