SOCIAL DISTANCING: BẠN CÓ BAO NHIÊU MỐI QUAN HỆ?

Thứ hai - 30/03/2020 10:57

SOCIAL DISTANCING: BẠN CÓ BAO NHIÊU MỐI QUAN HỆ?

Social distancing là gì? Trong đại dịch covid-19, thuật ngữ social distancing liên tục được các phương tiện truyền thông nhắc tới như một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để hạn chế sự lây lan khủng khiếp của đại dịch. Vậy social distancing là gì? Theo hướng dẫn của Chính phủ Anh (xem: https://www.gov.uk/) thì đây là biện pháp nhằm giảm sự tương tác xã hội của con người (reduce social interaction between people, khác với cách ly là quarantine và cô lập là isolation). Trong tiếng Việt, đã có một số cách dùng thuật ngữ này là hạn chế giao tiếp xã hội hay cách ly xã hội nhưng có lẽ giữ khoảng cách trong giao tiếp xã hội có nghĩa gần hơn với thuật ngữ tiếng Anh. Tạm thời tôi xin dùng cách nói ngắn gọn của người Việt là giữ khoảng cách trong bài này. Ban đầu, các nền dân chủ hàng đầu thế giới như Anh, Ý, Hà Lan, Đức,… hầu như không tính đến biện pháp giữ khoảng cách vì nó vi phạm một trong những quyền quan trọng nhất của con người, đó là quyền tự do đi lại, hội họp. Đặc biệt, ở châu Âu nơi đi lại tự do xuyên biên giới (Hiệp ước Schengen) của khối đã trở thành một “đặc sản” riêng của khu vực này. Nhưng rồi sự mất kiểm soát đối với dịch bệnh tại Ý, Tây Ban Nha, Đức, Pháp,… đã khiến cho số người nhiễm bệnh và tử vong tăng theo cấp số cộng rồi cấp số nhân, điều này buộc các chính phủ châu Âu phải áp dụng biện pháp bất khả kháng này. Hộp dưới đây nêu 06 khuyến cáo của Chính phủ Anh: 1) Tránh tiếp xúc với người đang có các triệu chứng của coronavirus (COVID-19). Những triệu chứng này bao gồm nhiệt độ cao và/hoặc ho. 2) Tránh tối đa việc sử dụng giao thông công cộng nếu không cần thiết. 3) Làm việc tại nhà nếu có thể. Đơn vị chủ quản nên hỗ trợ vấn đề này. 4) Tránh các cuộc tụ họp lớn và nhỏ trong không gian công cộng, lưu ý rằng các quán rượu, nhà hàng, trung tâm giải trí và các địa điểm tương tự hiện đóng cửa để ngăn lây lan trong không gian kín, nơi mọi người tụ tập lại với nhau. 5) Tránh tụ tập với bạn bè và gia đình. Giữ liên lạc bằng công nghệ từ xa như điện thoại, internet và phương tiện truyền thông xã hội. 6) Sử dụng điện thoại hoặc dịch vụ trực tuyến để liên hệ với nhân viên y tế hoặc các dịch vụ thiết yếu khác. Ở đây tôi không muốn đặt các câu hỏi ai phải giữ khoảng cách? và tại sao phải giữ khoảng cách? Vì các cơ quan chuyên trách phòng chống COVID-19 của các chính phủ đã nêu lý do và đã có tới nửa dân số thế giới buộc phải thực hiện. Câu hỏi quan trọng tôi muốn đặt ra với tất cả chúng ta là bạn đang có bao nhiêu mối quan hệ? Trả lời câu hỏi này sẽ giúp mỗi người tự xác định mục tiêu, hình thức, mức độ và thời gian giữ khoảng cách. Điều này giúp các chính phủ kiểm soát dịch bệnh tốt hơn vì càng ít người gặp nhau thì tốc độ lây lan càng giảm, giúp hệ thống y tế không bị “vỡ trận” như ở Vũ Hán, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Ý… Đặc biệt, các bác sĩ và nhân viên chăm sóc y tế sở tại thường khó đáp ứng số bệnh nhân cao. Bạn có bao nhiêu mối quan hệ? Tôi tin là bạn cũng như tôi chưa từng nghĩ đến việc đếm xem bản thân mình có bao nhiêu mối quan hệ xã hội. Các nhà lý thuyết quan hệ xã hội hàng đầu như Karl Marx (1818-1883), John Thibaut (1917–1986), Harold Kelley (1921–2003), George Homans (1910–1989), Peter Blau (1918–2002), Richard Emerson (1925-1982), Pierre Bourdieu (1930-2002), Claude Lévi-Strauss (1908–2009),… với nhiều công trình nghiên cứu kinh điển cũng chưa từng đặt phép tính xem bản thân mỗi người có bao nhiêu mối quan hệ xã hội. Đây là lý do tôi phải tự tìm ra một công thức để tính toán khi giảng dạy học phần Nghiên cứu hành vi & xã hội của chương trình International Standard Program (ISP) ở Đại học Quốc gia Hà Nội như sau: R = P x (P-1) : 2 Trong công thức này, R là tổng số mối quan hệ; P là số người có quan hệ. Chẳng hạn, 2 người chỉ có 1 mối quan hệ; 3 người có 3 mối quan hệ; 4 người có 6 mối quan hệ; 5 người có 10 mối quan hệ,... Điều này chúng ta có thể nhẩm được bằng ngón tay. Tuy nhiên, với một văn phòng 10 người hay một lớp học 50 người chúng ta khó có thể tính nhẩm được. Vì vậy, sử dụng công thức trên chúng ta có thể tính chính xác như sau: Văn phòng 10 người: Tổng số các mối quan hệ R = 10 x (10-1) : 2 = 10 x 9 : 2 = 45 Lớp học 50 người: Tổng số mối quan hệ R = 50 x (50-1) :2 = 50 x 49 : 2 = 1225 Hãy thử tưởng tượng bạn có các Hội đồng niên cấp 1,2,3 rồi đại học, cao học,… chưa kể đến cơ quan, họ hàng nội ngoại, nhóm, hội nghề nghiệp, bạn bè của con cái,… mỗi nhóm vài chục người. Tổng các mối quan hệ của mỗi chúng ta (chưa tính mối quan hệ chéo và giao tiếp xã giao) có thể lên tới hàng trăm nghìn. Kể từ khi nghỉ Tết âm lịch (trước 24/1/2020) đến nay, học sinh, sinh viên đã được Bộ Giáo dục – Đào tạo cho giữ khoảng cách tới nay đã được hơn 2 tháng. Từ ngày 18/3/2020, Bộ Y tế bắt đầu khuyến cáo hạn chế tập trung đông người, Việt Nam Airlines cũng dừng hầu hết các chuyến bay,… Nhờ đó, Việt Nam có số ca nhiễm tương đối thấp và chưa có ca từ vong nào tính đến hôm nay. Nếu mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm với bản thân và xã hội bằng cách cố gắng giữ khoảng cách thì kết quả nói trên có thể tiếp tục được duy trì. Điều này có thể giúp các cơ quan chuyên môn tiến hành các biện pháp tiếp theo một cách hiệu quả hơn trong khi chưa thể có vacine và thuốc đặc trị. Điều đó còn giúp cho những người ở tuyến đầu như các bác sĩ và nhân viên y tế có thêm thời gian và sức lực để chiến đấu với thảm họa toàn cầu này. Vì vậy, hãy luôn nhớ: Tổng các mối quan hệ xã hội của chúng ta rất lớn. PGS. TS. Đinh Hồng Hải Khoa Nhân học, ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây