Học viên ngành Nhân học chia sẻ trải nghiệm du học tại Đại học Uppsala, Thụy Điển
Chia sẻ của bạn Nguyễn Thị Kim Anh - học viên cao học tại Khoa Nhân học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN trong thời gian học tập tại Thụy Điển bằng học bổng trao đổi 01 học kỳ giữa Nhà trường và Đại học Uppsala.
Mình là học viên cao học tại Khoa Nhân học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN. Năm 2019 là một năm đáng nhớ với mình khi mình có vinh dự được nhận học bổng trao đổi 1 học kỳ tại Khoa Nhân học và Dân tộc học - Đại học Uppsala của Thụy Điển. Qua bài viết này, mình muốn chia sẻ những trải nghiệm và kinh nghiệm học tập trong 6 tháng tại đất nước Bắc Âu lạnh giá nhưng vô cùng mới mẻ và thú vị đối với mình. Hành trình của mình sẽ được kể bằng những câu chuyện nhỏ dưới mỗi bức ảnh mà mình sẽ chia sẻ dưới đây. Hy vọng câu chuyện của mình sẽ tiếp thêm động lực cho các bạn sinh viên, học viên ngành Nhân học tiếp tục cố gắng, nỗ lực để đạt được ước mơ du học trong tương lai.
Khởi đầu của mình là những buổi gặp mặt với đại diện Đại học Uppsala tại Việt Nam. Tiêu chí apply học bổng Linnaeus Palme Inernational Exchange Programme bao gồm thành tích học tập giỏi và có khả năng sử dụng tiếng Anh thành thạo. Trên ảnh là buổi gặp mặt các tân du học sinh Đại học Uppsala năm 2019 tại văn phòng ở Hà Nội
Một buổi khai giảng tại Hội trường lớn và được nghe nhạc giao hưởng, chắc chắc ở Việt Nam mình không có trải nghiệm tuyệt vời này rồi
Đây là những hình ảnh về English campus – nơi mình học tập. Cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng mọi nhu cầu học tập của sinh viên, ngoài ra có phòng máy tính được bố trí ở nhiều nơi dọc campus đáp ứng nhu cầu sử dụng máy tính cho sinh viên, các phòng học nhóm, thư viện
Đây là văn phòng Khoa Nhân học và Dân tộc học của Đại học Uppsala và hình ảnh các giáo sư, giảng viên công tác tại khoa
Đây là hình ảnh một buổi học môn Lý thuyết nâng cao trong nhân học. Hình thức buổi học thường là sinh viên đọc tài liệu chuẩn bị bài trước, đến lớp giảng viên sẽ định hướng và đưa ra câu hỏi thảo luận. Sinh viên được tự do nêu ý kiến. Cuối buổi học, sinh viên sẽ tự ghi lại những từ khóa của buổi học lên bảng bằng nhiều font chữ, màu sắc để tổng kết. Mình thấy phương pháp này khá hay và yêu cầu mỗi sinh viên đều phải chủ động trong giờ học.
Ngoài những buổi học trên lớp, chúng mình có cơ hội được đến những buổi diễn giảng của các nhà khoa học xã hội có tên tuổi trên thế giới như Bruno Latour, Don Kulick,…
Với môn Ethnography (Phương pháp nghiên cứu dân tộc học), trong suốt khóa học mình được tự do chọn một địa điểm nghiên cứu để thực hành các phương pháp nghiên cứu trong Nhân học và viết báo cáo hàng tuần. Mình đã chọn hội sinh viên có tên là Smalland nation, một trong 13 hội sinh viên lâu đời tại Uppsala (những hội sinh viên đều do sinh viên tổ chức, quản lý rất chuyên nghiệp bao gồm cả nhà cho sinh viên thuê, quán cà phê, quán rượu, thư viện, cấp học bổng,…). Nhờ trải nghiệm tại hội sinh viên này mà mình hiểu hơn đời sống sinh viên quốc tế tại Uppsala hoàn toàn khác với những gì mình biết về hội sinh viên ở Việt Nam.
Trong ảnh là các bạn học viên cao học tại lớp của mình bao gồm cả sinh viên Thụy Điển và sinh viên quốc tế. Các bạn đều rất thân thiện và hòa đồng.
Mình được đăng ký ở một phòng trong ký túc xá ở khu Flogsta có nhà vệ sinh khép kín, phòng bếp chung cho 1 corridor, phòng giặt đồ chung… Ngoài ra còn có sân tập thể dục ngoài trời thuận tiện cho việc rèn luyện, nâng cao sức khỏe.
Đây là các bạn cùng corridor với mình, đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Thụy Điển, Ấn Độ, Bangladesh, Hy Lạp, Iran. Các bạn đều học rất giỏi trong lĩnh vực của mình, mình rất ngưỡng mộ các bạn ấy.
Chúng mình được hội ngộ cùng thầy Lâm Minh Châu khi thầy sang theo chương trình trao đổi giảng viên tại Đại học Uppsala tháng 11/2019
Chúng mình được cùng đón giáng sinh với gia đình cô Ana-Klara – nguyên đại diện Trường Đại học Uppsala tại Việt Nam năm 2019
Du học trao đổi cũng là cơ hội tuyệt vời để mình được thưởng thức ẩm thực Thụy Điển nói riêng và châu Âu nói chung. Một phần ăn cho người lớn ở đây rất nhiều so với sức ăn của mình.
Mình cảm thấy thật may mắn khi chỉ trong 5 tháng trao đổi mà mình được trải nghiệm 3 mùa trong năm của Thụy Điển. Vào mùa đông, khi mà ở Việt Nam chưa bao giờ thấy tuyết, cảm giác được chơi đùa với những tầng tuyết dày thực sự rất mới lạ và thích thú đối với mình. Bức ảnh hoàng hôn ở Flogsta của mình may mắn được giải bức ảnh được yêu thích nhất trong cuộc thi ảnh “Ký ức Việt Nam – Thụy Điển” kỷ niệm ngày thiết lập mối quan hệ Việt Nam – Thụy Điển do Hội cựu du học sinh Thụy Điển SANV tổ chức.
Đây cũng là cơ hội tuyệt vời để mình được đi nhiều nơi và khám phá các nước châu Âu. Nếu không nhờ học bổng này, có lẽ rất lâu sau mình mới thực hiện được ước mơ này. Hãy kết bạn và lập nhóm đi du lịch kiểu sinh viên, bạn sẽ tiết kiệm được kha khá cho chuyến đi châu Âu của mình đó.
Trên đây là những trải nghiệm cá nhân mà mình cảm thấy vô cùng quý giá. Mình biết là Chương trình trao đổi giảng viên và sinh viên của Khoa Nhân học của trường mình với Khoa Nhân học và Dân tộc học của Đại học Uppsala tiếp tục được được triển khai trong năm học 2020-2021. Hy vọng rằng các bạn sinh viên/học viên cao học của Khoa Nhân học khóa tiếp theo sẽ giành được cơ hội đi du học tại Đại học Uppsala để học hỏi thêm nhiều kiến thức và có những trải nghiệm tuyệt vời hơn mình nhé!