PGS.TS.NGƯT. Lê Sỹ Giáo

Thứ ba - 22/05/2018 21:35
PGS.TS.NGƯT. Lê Sỹ Giáo
PGS.TS.NGƯT. Lê Sỹ Giáo
Trong hơn 40 làm công tác nghiên cứu và giảng dạy, ông tập trung sâu vào một số lĩnh vực như: Dân tộc học nông nghiệp, các dân tộc ngóm ngôn ngữ Tày - Thái ở Việt Nam, quan hệ tộc người, các dân tộc ở châu Á. Thành quả lao động miệt mài mà ông đóng góp cho ngành Dân tộc học là vô cùng ấn tượng: trên dưới 100 công trình, bao gồm giáo trình Dân tộc học đại cương, sách chuyên khảo, bài tạp chí, báo cáo khoa học cho các hội thảo trong và ngoài nước .Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Lê Sĩ Giáo

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Lê Sĩ Giáo

Những kỷ niệm nhớ mãi

Viết lời giới thiệu về một nhà khoa học là một việc khó, giới thiệu về chính thầy mình lại là một việc khó hơn, nhất là khi xét về tuổi đời và tuổi nghề, tôi cách ông cả một chặng đường dài. Theo hồ sơ giấy tờ, ông sinh năm 1949. Theo sách tử vi, người tuổi này thường có tính nóng nhưng mau nguội. Sau hơn 20 năm được làm học trò của ông, tôi nghiệm ra nhận định này không hẳn đúng, chí ít là với ông. Tôi không hẳn nghĩ ông là người nóng tính. Có lẽ nghiêm nghị, bộc trực sẽ diễn tả chính xác hơn tính cách con người ông. Giống như tiền nhân, ông tin rằng “Dưỡng bất giáo, phụ chi quá. Giáo bất nghiêm, sư chi nọa” [Nuôi không dạy, lỗi ở cha; Dạy không nghiêm, lỗi ở thầy]. Có lẽ vì thế mà trong mắt học trò (ít nhất là từ thế hệ tôi trở về trước), ông là một người thầy nghiêm nghị, nghiêm khắc. Ấy nhưng, dù ông có cố giấu thế nào, tôi vẫn cảm nhận được chữ “tình” trong thái độ nghiêm khắc với học trò. Cuối năm 1997, khi làm luận văn tốt nghiệp đại học, tôi có may mắn được ông làm thầy hướng dẫn. Sự non nớt về kinh nghiệm khiến tôi cứ “hồn nhiên” đi thực tế trước khi thông qua đề cương nghiên cứu. Thực tình thì thời điểm đó, không hiểu vì sao tôi lại quên mất một thao tác rất căn bản này. Có lẽ tâm lí háo hức được đi xa, được “làm khoa học” của một gã sinh viên nghĩ mình sắp thành “người lớn”, hoặc có lẽ sự thôi miên, cuốn hút của vẻ đẹp thiếu nữ Thái xứ Tây Bắc (mà tôi mường tượng qua bài giảng của ông và các thầy khác) khiến tôi như bị “bỏ bùa”, tức tốc “một ba lô” rời Hà Nội ngay kì nghỉ Tết Nguyên đán, ngược đường lên Mường So, Phong Thổ của xứ Thái Trắng Lai Châu. Sau một tháng thực địa, về đến Hà Nội, tôi vẫn cứ ung dung chả “ngó ngàng” gì đến thầy. Thế rồi, một buổi tối muộn, tôi gặp thằng bạn cùng lớp, cùng thầy hướng dẫn, nó đơ đơ như mới mất học bổng. Nó lôi tôi ra quán phở bà Chi béo, gọi chai rượu và xin ít xương còn xót ở đáy nồi nước dùng (mà chúng tôi hay gọi là xương “cải mả”). Nó bảo, “Tao chết rồi”, thầy “phang” ghê quá. Trước khi đi, đã thông qua đề cương, báo cáo với thầy, viết hết sức rồi mà vẫn bị phê bút “đỏ lòm”. Thú thực, tôi không bao giờ quên cảm giác rùng mình lúc ấy. Thương bạn thì ít, lo cho mình thì nhiều. Rồi hôm mang luận văn đến nộp, thầy giận ra mặt khiến cả tuần sau tôi như ngồi trên đống cát nóng. Cứ ngỡ phen này có khi “nhục” hơn cả ông bạn kia. May thay, sau khi đọc luận văn, thầy chỉ trách tôi thật nhẹ nhàng “Cậu viết được đấy, giá mà làm việc với tôi trước khi đi thực địa thì còn tốt nữa…”. Chỉ một câu nói ấy, tôi hiểu được tấm lòng của ông với mình, với học trò. Sau này, tôi cũng biết, ông cũng đã âm thầm giúp đỡ nhiều người, bằng cách này hay cách khác. Dù rằng, không ít trường hợp, chẳng hiểu vì sao người ta đã “quên nhẹ nhàng” những ân tình ấy. Chả mấy khi ông bận lòng và tôi cũng chưa hề nghe thấy ông trách móc ai cả. Ấn tượng bên ngoài dễ làm người mới gặp nghĩ ông là một người khó tính, khô khan. Chỉ thật tinh ý, thật chịu khó quan sát và thật gần gũi thì mới hiểu, thực ra ông là người sống nội tâm, tình cảm. Có lẽ chính vì thế, ông đã có một khoảng thời gian khá “lặng” trong cuộc đời sau khi người tri kỉ của ông qua đời. Ngày ấy, có lần chúng tôi đến thăm, mấy thầy trò ngồi lặng lẽ bên vài chai bia mà cả tiếng không hết, cứ nhấc lên đặt xuống. Những lúc ấy, ánh mắt ông thật buồn, như bị hút về một điểm vô hình nào đó. Có người bảo sao mà ông si tình và mềm yếu quá. Tôi thì không nghĩ vậy. Ông là người nặng tình thì đúng hơn. Người ta có thể điều khiển lí trí chứ ai sai bảo được con tim trên cõi đời này? Có một điều tôi nghĩ sách tử vi đúng, chí ít là với ông. Đó là người được cho là thông minh, hoạt ngôn. Nếu đọc các bài ông viết, dễ thấy một cách tư duy hệ thống rành mạch, lối hành văn chính xác mà dí dỏm, cách dùng từ vừa khoa học vừa rất “đời”. Tôi rất thích với lối hành văn “tưng tửng” của ông, một cách viết khiến người đọc, người nghe không chán tai, khiến người ta phải ngẫm trước khi có thể hiểu thấu đáo, một cách viết nếu không đủ “bút lực” sẽ dễ rơi vào xáo mòn… Ông cũng là người có lối diễn đạt hóm hình, luôn “cù” người khác bằng ngôn từ, bằng lối nói nhấn nhá không phải ai cũng có được. Hồi đại học, lũ học trò chúng tôi “oải” nhất mỗi khi nghe các bài phát biểu dài “vô tận” trong những dịp hội hè. Ấy nhưng, những bài phát biểu của ông luôn mang lại tiếng cười sảng khoái, nhẹ nhàng cho người nghe. Ông rất khéo biến những khẩu hiệu “khô khan” trở nên mềm mại, gần gũi, hóm hỉnh.

Những đóng góp với ngành Dân tộc học

Trong số các giảng viên cơ hữu hiện nay của Bộ môn Nhân học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội, PGS.TS Lê Sỹ Giáo là người có thâm niên công tác nhiều nhất. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1973 (hệ 4,5 năm), ông được giữ lại Khoa Lịch sử làm giảng viên. Từ năm 1983 đến năm 1987, ông được cử đi học Nghiên cứu sinh tại Đại học Tổng hợp Leningrad thuộc Liên bang Xô Viết. Trong hơn 40 làm công tác nghiên cứu và giảng dạy, ông tập trung sâu vào một số lĩnh vực như: Dân tộc học nông nghiệp, các dân tộc ngóm ngôn ngữ Tày - Thái ở Việt Nam, quan hệ tộc người, các dân tộc ở châu Á. Thành quả lao động miệt mài mà ông đóng góp cho ngành Dân tộc học là vô cùng ấn tượng: trên dưới 100 công trình, bao gồm giáo trình Dân tộc học đại cương, sách chuyên khảo, bài tạp chí, báo cáo khoa học cho các hội thảo trong và ngoài nước. Ông cũng đã và đang hướng dẫn trên 20 nghiên cứu sinh, 20 học viên cao học, trên 70 sinh viên làm luận văn tốt nghiệp, trên 30 sinh viên làm báo cáo khoa học (trong đó có 2 người và nhóm sinh viên đoạt giải Ba của Bộ Giáo dục và Đào tạo). Không chỉ tham gia giảng dạy, ông có nhiều năm liền tham gia công tác quản lý: trên 10 năm làm Bí thư chi bộ Khoa Lịch sử, 8 năm làm Phó chủ nhiệm Khoa Lịch sử, 8 năm làm chủ nhiệm bộ môn Dân tộc học, 4 nhiệm kì tham gia Ban chấp hành Trung ương Hội Dân tộc học Việt Nam, một nhiệm kì làm tổng thư ký Hội Dân tộc học Việt Nam. Ông cũng là một trong 4 người sáng lập Chương trình Thái học (cùng với các học giả Cầm Cường, Cầm Trọng và Hoàng Lương). Với những đóng góp toàn diện như thế, ông đã nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2001 vì đã có nhiều thành tích trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc; 2 Bằng khen của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (1999: đã có thành tích xuất sắc trong đào tạo, giáo dục, xây dựng và phát triển Đại học quốc gia Hà Nội; 2001: đạt danh hiệu Cán bộ giảng dạy giỏi cấp cơ sở năm học 1999-2000)… Đặc biệt năm 2012, ông được trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, một sự ghi nhận chính xác cho những đóng góp trong sự nghiệp hơn 40 năm “trồng người”. Hơn 40 năm làm thầy, làm khoa học, cuộc đời của PGS.TS.Lê Sỹ Giáo dường như có thể chia thành hai gian đoạn. Giai đoạn đầu là từ lúc ông khởi nghiệp đến giữa những năm 2000. Đây là khoảng thời gian mà hình ảnh một người thầy mẫu mực, nghiêm khắc, một nhà khoa học cẩn trọng, sắc sảo hiện rõ. Giai đoạn 2 từ giữa những năm 2000 đến nay, người ta thấy một “sức sống mới” trỗi dậy trong ông. Công việc và cuộc sống của ông trở nên “đời” hơn. Dường như sau bao thăng trầm của cuộc đời, ông đã “ngộ” ra được “lẽ sống” cho mình.  

PHÓ GIÁO SƯ, TIẾN SĨ, NHÀ GIÁO ƯU TÚ LÊ SỸ GIÁO

Năm sinh: 1949. Quê quán: Thanh Hóa. Tốt nghiệp đại học tại Khoa Lịch sử (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) năm 1973. Chuyên ngành được đào tạo: Dân tộc học Nhận bằng Tiến sỹ chuyên ngành Dân tộc học (Trường Đại học Tổng hợp Leningrad, Liên Xô) năm 1987. Được công nhận chức danh Phó Giáo sư năm 1992. Được tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2012. Thời gian công tác tại trường: 1974-nay.

+ Đơn vị công tác:

Khoa Lịch sử (1974-2010).

Khoa Nhân học (2010-2015).

+ Chức vụ quản lý:

Phó Chủ nhiệm Khoa Lịch sử (1996-2004).

Chủ nhiệm Bộ môn Nhân học Văn hóa (2015-nay).

+ Các hướng nghiên cứu chính: Các dân tộc ngôn ngữ Thái ở Việt Nam; Dân tộc học nông nghiệp; Thành phần tộc người và quan hệ dân tộc ở Việt Nam; Dân tộc học đại cương. Các công trình khoa học tiêu biểu: + Giáo trình Dân tộc học đại cương (chủ biên) (tái bản 18 lần).

Nguồn: http://www.ussh.vnu.edu.vn

If you know me, then you know that I was discouraged enough more than five years ago regarding the crass and adult-intended social networking sites that kids were joining.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây